Top 8 Di tích, di sản văn hóa tại Gia Bình Bắc Ninh

Huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, từ lâu đã nổi tiếng với kho tàng di tích lịch sử – văn hóa phong phú, đa dạng. Những di tích này không chỉ mang giá trị về mặt lịch sử mà còn là điểm đến thu hút du khách bởi vẻ đẹp kiến trúc và giá trị văn hóa độc đáo. Dưới đây là top 8 di tích, di sản văn hóa của huyện Gia Bình, mời bạn đọc tham khảo:

  • Đình Diên Lộc.

Là nơi thờ tổ nghề gò dát đồng Nguyễn Công Truyền và các vị hậu tiên sư. Cũng như các công trình văn hoá tâm linh khác của làng, đình Diên Lộc bị phá huỷ hoàn toàn trong kháng chiến chống Pháp, hoà bình lập lại, dân làng mới dồn vật liệu của hai ngôi đình cổ Văn Lãng và Diên Lộc để thờ chung Thành Hoàng làng và tổ nghề Nguyễn Công Truyền. Năm 1992, đình Diên Lộc được phục dựng trên nền xưa đất cũ theo dáng vẻ truyền thống và Tổ nghề Nguyễn Công Truyền lại được thờ phụng tại đây.

Hiện đình Diên Lộc nằm ở giữa xóm Tây, đối diện với chợ Đại Bái. Đình quay hương tây nam, các công trình kiến trúc nhìn từ ngoài vào có: cổng, sân và đại đình hình chuôi vồ. Đại đình gồm 3 gian, 2 chái, 4 mái đao cong; hậu cung 1 gian 2 chái và 1 gian chuôi vồ. Toàn bộ được làm làm bằng chất liệu hiện đại bê tông cốt thép, mái dán ngói ống, nóc đắp rồng chầu mặt nguyệt, các đầu đao con vút được đắp vẽ rồng, phượng, bờ guột đắp nghê chầu. Hậu cung là nơi đặt tượng tổ Nguyễn Công Truyền trong khám, bên cạnh là ban thờ đặt mũ, hia của thần làm bằng chất liệu đồng với kỹ thuật tinh xảo. Trước khám thờ là hương án chạm khắc đẹp, bên trên đặt các đồ thờ tự như lọ hoa, bát hương, tiếp đến là bộ chấp kích, hai bên cột treo đôi câu đối, phía trên là bức cửa võng trang trí rất tinh xảo nghệ thuật với các đề tài tứ linh, tứ quý, bên trên treo những bức hoành phi nội dung ca ngợi công lao của tổ nghề và lòng biết ơn vô hạn của người dân như: “khai khoa chi tổ”, “trạch cập tư dân”, “công thuỳ vạn thế”…trong số những tài liệu hiện vật này phần lớn được làm bằng chất liệu đồng và là những sảm phẩm mỹ nghệ do người thợ đồng Đại Bái làm ra.

Cùng được thờ với tổ sư Nguyễn Công Truyền tại đình Diên Lộc, còn có 5 vị hậu tiên sư- những người có công lớn trong việc phát triển nghề đồng Đại Bái. Đó là các vị: Nguyễn Viết Lai, Nguyễn Xuân Nghĩa, Vũ Viết Thái, Phạm Ngọc Thanh, Nguyễn Công Tâm. Theo dân làng Đại Bái, đặc biệt là bà con trong các dòng họ của các vị hậu tiên sư, các ông chính là những người đã tạo ra bước phát triển cho nghề gò đồng. Chính vì vậy, tên tuổi của các ông đã được ghi vào mục lục của làng, hành trạng của các ông được ghi rõ trong gia phả của các dòng họ.

Đình Diên Lộc còn bảo lưu được nhiều tài liệu cổ vật có giá trị như: 03 đạo sắc phong cho tổ sư Nguyễn Công Truyền (vào các năm: 1913, 1917,1924), hệ thống hoành phi, câu đối, các đồ thờ tự bằng đồng rất tinh xảo nghệ thuật do chính bàn tay người thợ đồng Đại Bái làm ra…Trong số tài liệu cổ vật của đình Diên Lộc, đặc biệt quý giá là pho tượng chân dung tổ nghề Nguyễn Công Truyền. Đây là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, đặc sắc thể hiện sự tài hoa, khéo léo của người thợ đồng Đại Bái.

Hội lệ đình Diên Lộc diễn ra vào ngày 29 tháng 9 âm lịch hàng năm. Đây là ngày giỗ tổ nghề Nguyễn Công Truyền. Xưa việc tế tổ được giao cho những người đứng đầu các họ lớn, là những họ chủ trì ở các xóm, các phường nghề, những người đứng đầu ấy gọi là các cụ trùm (hoặc hương trùm), gọi chung là nóc các cụ trùm. Chỉ các nóc hương trùm mới được giao vai tế chủ. Bên cạnh ngày lệ chính vào ngày 29 tháng 9, còn có ngày mồng 6 tháng 2 và ngày 16 tháng 8, là ngày xuân thu nhị tế, dân làmg sắm sửa lễ vật ra đình để dâng Tổ nghề thể hiện lòng biết ơn vô hạn đối với người đã mang lại sự ấm no cho dân làng. Ngày nay việc thờ Tổ nghề vẫn được người dân Đại Bái thực hiện rất trang trọng, uy nghiêm, trong những ngày giỗ Tổ, dù có đi làm ăn nơi xa thì người ta vẫn nhớ về thắp nén hương thơm và không quên đem theo những sảm phẩm đẹp nhất mà mình làm được để dâng lên Tổ nghề.

  • Chùa làng Đại Bái.

Chùa có tên chữ là “Diên Phúc tự”, ngoài chức năng thờ Phật, đây còn là nơi lưu niệm sâu sắc về danh nhân Nguyễn Công Hiệp, người có nhiều công lao với đất nước, quê hương; đặc biệt ông có công lớn trong việc trùng tu đình, chùa, làm cầu quán cho dân, chính vì vậy ông đã được tạc tượng thờ ở đình Văn Lãng và là hậu Phật chùa Diên Phúc.

Theo nhân dân địa phương, chùa Diên Phúc vốn xây dựng từ lâu đời, đến thời Lê (1647-1648) được trùng tu mở rộng với quy mô lớn bao gồm các công trình: Tam quan 3 gian, kiến trúc kiểu chồng diêm 8 mái, nhà thập điện 7 gian, hậu cung gắn vào nhà thập điện, gác chuông, nhà tổ (nơi thờ Nguyễn Công Hiệp và cha mẹ ông cùng những người có công trong việc trùng tu chùa), nhà tả, hữu vu mỗi bên 10 gian nối từ nhà thập điện đến hết nhà tổ, nhà khách 5 gian, nhà mẫu 3 gian 2 dĩ. Với quy mô này, người dân Đại Bái vẫn tự hào rằng chùa Diên Phúc sánh ngang chùa Bút Tháp và chùa Dâu. Tiếc rằng năm 1948, chùa đã bị phá huỷ hoàn toàn để tiêu thổ kháng chiến; hoà bình lập lại, dân làng mới góp nhặt vật liệu để phục dựng ngôi chùa trên nền xưa đất cũ. Năm 1993, Tam bảo chùa Diên Phúc được tu bổ tôn tạo lớn, những năm gần đây chùa liên tục được xây thêm các công trình mới như gác chuông, nhà khách, lầu quan âm…làm cho ngôi chùa ngày một khang trang, tố hảo.

Chùa Diên Phúc còn bảo lưu được hệ thống tài liệu cổ vật rất phong phú, độc đáo và quý hiếm như: tượng phật, tượng chân dung có niên đại thời Lê và Nguyễn; chuông chùa Diên Phúc đúc năm Tự Đức 30 (1877), bia “Diên Phúc tự bi” dựng năm Khánh Đức 2 (1650), bia “Diên Phúc tự bi” dựng năm Đức Long (1629-1639), bệ đá thời Lê, hệ thống đại tự, câu đối có nội dung ca ngợi Phật pháp và người được thờ hậu. Trong số những tài liệu cổ vật này, tiêu biểu nhất là hai pho tượng chất liệu đá Quận công Nguyễn Công Hiệp và ông Nguyễn Công Kế, những người có công lớn trong việc tu bổ chùa. Tượng Nguyễn Công Hiệp được tạc năm “Khánh Đức nhị niên” (1650), tượng Nguyễn Công Kế tạc  năm “Vĩnh Thọ tứ niên” (1661).

Về hậu thần Nguyễn Công Hiệp, trong gia phả họ Nguyễn (Công) ở Đại Bái cho biết: Nguyễn Công Hiệp sinh vào thời Lê- Trịnh, năm Hoàng Định thứ 17 (1617) ông vào làm việc tại phủ chúa, do có công nên được thăng chức rất nhanh. Đặc biệt vào các năm Phúc Thái thứ 3 (1645), Phúc Thái thứ 6 (1648) với công đánh dẹp sự xâm lấn của nhà Nguyễn (đàng trong), Nguyễn Công Hiệp đã được vua (Lê) khen rằng: Công Hiệp thật là người “Văn võ kỳ tài” và lập tức phong cho ông là: Dực vận tán trị công thần đặc tiến kim tử, vinh lộc đại phu, phụ quốc Thượng tướng quân, trung quân đô đốc, thiên sự, tước Gia quận công; sau đó lại được phong Đô đốc đồng tri thượng trụ quốc; rồi vua Lê Thần Tông lại phong: Phụ quốc bảo dân Minh Tuệ đại vương.

Là một đại công thần dưới thời vua Lê- chúa Trịnh, nhưng Nguyễn Công Hiệp vẫn luôn có sự quan tâm đặc biệt với quê hương Đại Bái. Ông cùng với cha mẹ mình đã có nhiều đóng góp to lớn trong việc trùng tu chùa Diên Phúc và đình Văn Lãng, xây cầu Bái Giang, nhiều lần miễn tô thuế cho dân, khuyến khích phát triển nghề gò đồng ở làng. Vì những công lao to lớn, tình cảm sâu nặng của Nguyễn Công Hiệp với dân làng, nên sau khi ông mất dân làng đã tôn ông làm Á Thánh (Thánh thứ 2) thờ tại đình làng. Cũng do có công lớn trong việc trùng tu chùa Diên Phúc, ông đã được tạc tượng đặt tại nhà tổ của chùa. Hiện nay tại đình Văn Lãng làng Đại Bái còn hệ thống bia đá: “Văn Lãng đình bi” dựng vào năm Khánh Đức thứ 4 (1652), “Bái Giang kiều bi” dựng năm Phúc Thái tứ 2 (1644) và bia “Bái giang thạch kiều bi” dựng năm Thiệu Trị nguyên niên (1841) cho biết rõ công lao của quận Công Nguyễn Công Hiệp và gia đình đối với dân làng Đại Bái, được nhân dân tôn kinh phụng thờ.

Lễ hội chùa Diên Phúc diễn ra vào ngày 26 tháng 3 âm lịch hàng năm.

Cho đến ngày nay, cụm di tích làng Đại Bái vẫn uy nghi tồn tại, được các thế hệ người dân bảo vệ trùng tu tôn tạo ngày một khang trang. Hàng năm lễ hội truyền thống được chính quyền và nhân dân tổ chức trang nghiêm. Đây là dịp để người dân Đại Bái tỏ lòng tri ân công đức của các vị Thần, Phật, các vị Tổ nghề đã đem lại cuộc sống bình an, ấm lo, hạnh phúc cho dân làng. Ngoài những di tích vừa trình bày ở trên, làng Đại Bái còn có nhiều dấu tích như Giếng ông Gióng, điếm Sôn (nay gọi là đền xóm Sôn), tre bình hương…là những chứng tích minh chứng cho bề dày lịch sử của làng xã nơi đây.

  • Bia đá chùa Tĩnh Lự.

Chùa Tĩnh Lự có tên chữ “Tĩnh Lự thiền tự” nằm trên núi Yên Sơn thuộc dãy núi Thiên Thai, nay thuộc thôn An Quang, xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình, được xây dựng vào triều vua Lê – chúa Trịnh là một đại danh lam cổ tự nổi tiếng xứ Kinh Bắc. Trải biến cố lịch sử, ngôi chùa đã bị phá hoại hoàn toàn chỉ còn sót lại một tấm bia đá rất lớn chạm khắc trang trí tinh xảo nghệ thuật, đã cho biết những thông tin quý báu về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật…của các thời trước, đặc biệt cho biết về ngôi chùa cổ từng là đại danh lam thắng cảnh.

Hiện trên nền xưa đất cũ của chùa Tĩnh Lự, năm 1995 nhân dân địa phương đã dựng tạm một chùa nhỏ gồm: Tam bảo, nhà mẫu, nhà sư. Ngôi Tam bảo có quy mô nhỏ, kiến trúc kiểu chữ “Đinh” gồm: Tiền đường 5 gian, Thượng điện 2 gian, vì nóc gỗ xoan kiểu “quá giang ghếch tường” mái ngói, tường xây bít đốc tay ngai, cột đồng trụ hai bên. Toàn bộ hệ thống tượng Phật của chùa là mới tạo tác.

   Giá trị nổi bật của chùa Tĩnh Lự chính là tấm bia đá của ngôi chùa cổ còn bảo lưu được. Bia có kích thước rất lớn 2 mặt có mũ bia (cao 1,72m; rộng 1,2m; dày 0,17m), tên bia “Tĩnh Lự thiền tự bi”, niên đại là “Phúc Thái vạn vạn niên chi lục trọng thu tiết cốc nhật” (1648). Người soạn văn bia là ông Nguyễn Duy Thời đỗ tiến sỹ khoa Mậu Tuất chức Dực vận tán trị công thần, Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Lại bộ thượng thư, kiêm Chưởng lục bộ sự, kiêm Quốc tử giám tế tử Hàn lâm viện thị độc, Hàn lâm viện sư, Thái phó Kinh Quận Công. Người phụng bút là Lê Thúc, chức Tán trị công thần đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, trung thứ giám trung thứ xá nhâm dĩnh xuyên bá.

Bia gồm 2 mặt: Mặt trước nội dung chủ yếu ghi lại việc tu tạo chùa Tĩnh Lự vào thời Lê – Trịnh (thế kỷ 17) với quy mô rất lớn, nghiêm trang, lộng lẫy theo lệnh của chúa Trịnh, đã giao cho Đô đốc gia quận công Nguyễn Công Hiệp (người làng Đại Bái) tiến hành công việc xây dựng. Mặt sau của bia ghi tên những người công đức tiền của để xây dựng chùa.

Ngoài những giá trị thông tin về lịch sử ngôi chùa mà nội dung văn bia cho biết, phần trang trí chạm khắc ở chán bia, diềm bia là những tác phẩm điêu khắc đá tuyệt mỹ. Phần trán bia cao 0,24m được trang trí chạm khắc một hình mặt trời toả sáng sang hai bên với những “nét mác”, bay xung quanh là những cụm mây lơ lửng cùng với những nét mác mang đậm phong cách nghệ thuật thời Lê Trung Hưng. Hai bên hồi của bia đá đều được trang trí đề tài theo điển tích, với nét chạm to khỏe, phóng khoáng, song cũng hết sức nhẹ nhàng bay bổng. Bức chạm bên hồi trái của bia có đầu đề là “Y doãn canh nội sần – sứ thần triệu phó quân”. Phía trên là hình ảnh rồng mẹ và rồng con đang trong tư thế bay lượn quấn quýt âu yếm bên nhau trong những đám mây cuồn cuộn bay. Phía dưới là hình ảnh một ông già tóc dài búi tó, râu dài 3 chỏm, ngồi xếp bằng trên tảng đá dưới gốc cây tùng, hai tà áo phanh ra để hở cả bụng và rốn, quần thụng rộng dài, trên đùi phải có 1 nậm rượu, tay trái để trên đùi, tay phải gối cao, dưới bệ có 1 con trâu đang nằm đưa chân trái phía sau lên gãi tai, đằng sau con trâu là 1 chiếc cày. Đằng trước ông già có 3 viên quan gồm 1 người quỳ lạy ông già và 2 người đứng đằng sau dáng vẻ như chầu trực cầu cạnh. Bức chạm ở hồi bên phải có đầu đề là “Văn Vương cầu hiền – Vũ cát tiến tửu”. Phần trên cũng chạm rồng mẹ và rồng con quấn quýt âu yếm nhau trong những đám mây cuồn cuộn. Phần dưới là hình ảnh 1 cụ già cũng ngồi tựa dưới gốc cây tùng, phong thái ung dung nhàn hạ, mình cởi trần bụng phệ, nhưng lại mặc quần dài, tóc chải mượt búi đằng sau, râu 3 chỏm dài, chân đi hài, ngồi xếp chân chữ ngũ, tay phải để trước ngực, tay trái để trên đùi. Bên cạnh phía trái có một phụ nữ ngồi hầu đang quạt, mặc yếm hở vai. Bên cạnh phía phải có một viên quan hầu bê một khay nước trên có một bộ chén rượu. Phía trước mặt cụ già là một viên quan mặc áo bố tử, đội mũ cánh chuồn, đang trong tư thế quỳ lạy, hai tay chắp lại lồng trong ống tay áo thụng. Phía ngoài là một tên lính đứng giữ ngựa mặt nghiêm trang, tay trái để trần và kẹp kiếm ở nách, tay phải dơ lọng. Dưới chân ngựa là những lớp đất gập ghềnh và phía sau là những lớp sóng của sông nước.

Mặt sau của bia có tên: “Công đức tín chủ” niên đại ghi rõ “Tuế thứ Mậu Tý niên bát nguyệt nhị thập bát nhật” (ngày 28 tháng 8 năm Mậu Tý – tức 1648). Nội dung ghi tên những người công đức tiền của để trùng tu chùa. Số người phát tâm công đức rất đông và đủ các tầng lớp như: nhà chúa, cung phi, cung tần, quan to, danh sĩ, sinh đồ, tăng ni, sãi vãi bản chùa và các thiện nam tín nữ với số tiền của lên tới 638 lạng bạc nén, hàng trăm quan tiền, hàng trăm kiện gỗ…

Chùa Tĩnh Lự vốn là đại danh lam thắng cảnh nổi tiếng của thời Lê – Trịnh. Đến nay dẫu chùa xưa tháp cũ không còn nữa, nhưng với tấm bia đá cổ của chùa còn bảo lưu được đã cho biết những thông tin về lịch sử, văn hóa, tôn giáo, nghệ thuật…của thời xưa.Với chính những giá trị trên mà tấm bia chùa Tĩnh Lự đã được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử – văn hóa quyết định số 282/QĐ-CT ngày 18/3/2002.

  • Đền Lập Ái.

Đền Lập Ái, xã Song Giang, huyện Gia Bình được nhân dân địa phương xây dựng từ lâu đời để tôn thờ, tượng niệm về người anh hùng có công đánh giặc vào thế kỷ thứ 6, dưới thời của Lý Bôn.

Theo truyền thuyết kể đền được khởi dựng vào thời Lê, còn dấu tích kiến trúc hiện nay là của thời Nguyễn. Đền gồm 3 toà: tiền tế, đại bái và hậu cung, phía trước là cổng đền được xây rất lớn gồm 3 cửa kiểu cuốn vòm, trên làm theo kiểu chồng diêm 2 tầng mái, đao cong uốn lượn, đắp vẽ tứ linh, tứ quý. Qua cổng là một khoảng sân gạch khá rộng, tiếp đến là các công trình kiến trúc chính của đền.

Tiền tế gồm 5 gian, mái lợp ngói mũi, bình đầu bít đốc cột trụ cánh phong, giữa bờ nóc đắp rồng chầu mặt nguyệt, bộ khung làm bằng gỗ lim to khoẻ vững chắc, trên các bộ phận của kiến trúc như đầu dư, vì nóc, mảng cốn, bẩy hiên được trang trí chạm khắc rất tinh xảo các đề tài “tứ linh, tứ quý” mang đậm phong cách nghệ thuật của thời Nguyễn. Nằm song song với tiền tế là toà đại bái có kết cấu khá đặc biệt “thượng chữ công, hạ chữ nhị” (nếu nhìn trên mái thì là kết cấu kiểu chữ công (I), nhưng nền nhà thì lại thành chữ nhị), gồm: đại bái 4 gian song song với tiền tế, tiếp đến là ống muống 2 gian quay dọc nhưng chiều dài bằng với đại bái, và nối với ống nuống là 3 gian hậu cung quay ngang tạo thành lớp mái chữ công. Ngăn cách giữa hậu cung và ống muống là hệ thống cửa cấm. Các toà này đều có bộ khung bằng gỗ lim, nền lát gạch vuông, thềm có kè đá xanh khá lớn (1,20m x 0,50m x 0,18m), mái lợp ngói mũi, đầu hồi bít đốc tay ngai. Các bộ vì đều được làm theo lối con chồng giá chiêng, chạm khắc hoa văn đơn giản mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.

Các đồ thờ tự của đền tập trung chủ yếu trong hậu cung và ống muống. Trong hậu cung, gian giữa đặt  tượng Thành hoàng và Thánh mẫu của ngài ngồi trên ngai, phía trước là hương án gỗ sơn son thếp vàng, trên bày đặt các đồ thờ tự như mâm bồng, đỉnh đồng, đèn đồng, lọ hoa, đài nước…phía trên treo bức hoành phi “Tế thế an dân”, hai bên cột treo đôi câu đối nội dung ca ngợi công lao của đức Thánh. Tại ống mống đặt long đình, siêu đao, bát biểu, tàn lọng; phía trước đặt hương án, trên hoành treo những bức hoành phi như “Vạn cổ anh phong”, “Tướng Lý bình Tiên”, “Tam Á linh từ; các cột treo được treo những đôi câu đối có nội dung ca ngợi về người được thờ. Tất cả đều được sơn son thếp vàng lộng lẫy.

Đền Lập Ái còn bảo lưu được nhiều tài liệu hiện vật có giá trị như hệ thống bia đá, hoành phi, câu đối, tượng thờ, đặc biệt là các đạo sắc phong và bản thần tích đã cho biết về lai lịch công trạng của người được thờ ở đình là đức Thánh Tuy Ông.

Theo tài liệu này thì Đức Thánh sinh ngày 17 tháng giêng năm Nhâm Thìn, lên 3 tuổi đã biết lễ nghĩa, kính nhường, ham thích văn học, nghe đâu biết đấy. Lên 7 tuổi được mẹ cho đi học, đến 13 tuổi đã thông suốt sách sử, lại gỏi võ nghệ, bạn bè cùng học thán phục khen ông là bậc Thánh trẻ. Năm 18 tuổi, mẹ ông không bệnh mà mất, ông nhờ tìm nơi đất tốt làm lễ an táng mẹ, thờ cúng ở trong chùa theo đúng nghi tiết. Vì là người văn hay chữ tốt, văn võ song toàn nên nhân dân Lập Ái đã mời ông làm thày dạy học, học trò theo học rất đông. Sau nước ta có giặc nhà Lương sang xâm lược, Tuy Ông bèn hô hào những người có lòng yêu nước ở trong vùng, mộ được hơn 3000 quân sỹ, ở trang Lập Ái cũng có hơn trăm người theo ông, rồi tổ chức khao quân, tế cáo trời đất, bách thần sông núi, dẫn đại quân theo vua Lý Nam Đế đánh giặc, lập được nhiều chiến công oanh liệt, được nhà vua ban thưởng thực ấp ở Gia Định. Ông mất ngày 15 tháng 8 Đinh Tỵ (538), nhân dân vô cùng thương tiếc người con trung hiếu, lập miếu, tạc tượng thờ tại quê hương Lập Ái. Các đời vua sau đều gia phong mỹ tự, chuẩn cho làng Lập Ái phụng thờ lâu dài vậy.

Như vậy, đền Lập Ái thờ người anh hùng dân tộc Tuy Ông, có công đánh đuổi quân xâm lược nhà Lương vào thế kỷ VI. Ông mãi mãi là niềm tự hào của người dân Lập Ái được nhân dân tôn vinh làm thành hoàng. Ông cùng với các danh tướng họ Trương (Trương Hống, Trương Hát) đã đi vào lịch sử dân tộc bằng những chiến công hiển hách, cùng quân dân cả nước đánh tan quân xâm lược nhà Lương, dựng lên nhà nước Vạn Xuân độc lập. Tên tuổi của ông mãi mãi được các thế hệ dân làng ngưỡng vọng, tôn kính, phụng thờ.

Lễ hội truyền thống đền Lập Ái được tổ chức vào ngày 17 tháng giêng âm lịch hàng năm, truyền rằng là ngày sinh của đức thánh Tuy Ông. Đây là lễ hội chung của cả 3 làng (xã) thuộc tổng Tiêu Xá xưa là Lập Ái, Từ Ái và Hữu Ái (Tam Ái linh từ, nghĩa là ngôi đền thiêng của ba làng Ái). Trong những ngày diễn ra lễ hội, bên cạnh những nghi thức tế, rước long trọng của ba làng ở đền Lập Ái vào ngày 18, còn là phần hội với nhiều trò chơi dân gian như đu cây, cờ người, hát tuồng, hát chèo… đặc biệt là có tục đấu vật. Truyền rằng tục này có từ thời đức Thánh Tuy Ông nhằm tuyển chọn những trai tráng khoẻ mạnh trong vùng để đánh giặc. Hội vật ở Lập Ái là một trong những hội lớn trong vùng được nhiều đô vật từ khắp nơi tham gia hưởng ứng, hội vẫn được bảo tồn cho đến ngày nay.

Với những giá trị tiêu biểu, đặc sắc về kiến trúc, về nhân vật được thờ, di tích đền Lập Ái đã được xếp hạng cấp Quốc gia. Quyết định số 295/QĐ-BT ngày 12 tháng 2  năm 1994.

  • Đền thờ Lê Văn Thịnh

Đền thờ “Trạng nguyên”, Thái sư Lê Văn Thịnh nằm ở sườn phía Nam núi Thiên Thai thuộc thôn Bảo Tháp có tên nôm “Gủ Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình là nơi tôn thờ một danh nhân khoa bảng nổi tiếng, bậc hiền tài của quê hương Kinh Bắc Bắc Ninh.

    Truyền rằng sau khi nghe tin ông mất, dân làng đã lập đền thờ ở khu đất vốn xưa là nhà ở của ông. Đến thời Lê – Nguyễn, ngôi đền được trùng tu mở rộng với quy mô lớn, có kết cấu kiểu chữ “Đinh” gồm tiền tế và hậu cung. Năm 2008, đền là một trong những di tích trọng điểm được trùng tu và gắn biển công trình kỷ niệm “ Nghìn năm Thăng Long – Hà nội”.

Căn cứ vào Thần tích, sắc phong, bia đá và truyền thuyết của di tích, đã cho biết khá rõ về lai lịch, công trạng của Trạng nguyên, Thái sư Lê Văn Thịnh như sau: Lê Văn Thịnh sinh năm Canh Dần ( 1050) tại thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Thân phụ là Lê Văn Thành là một nhà nho nghèo vừa dạy học vừa làm nghề bốc thuốc chữa bệnh cứu người nghèo khổ. Thân mẫu là Trần Thị Tín (quê ở thôn Ngô Xá, nay là Vân Xá, xã Cách Bi, huyện Quế Võ) là một người phụ nữ hiền thục, đảm đang, hết lòng vì chồng con.

Ngay từ nhỏ Lê Văn Thịnh đã được cha mẹ cho ăn học và nổi tiếng là thần đồng tinh thông hàng ngàn quyển sách về Nho giáo, Phật giáo, Lão giáo. Nhưng ở đời “hoạ vô đơn chí”, bỗng dưng cha ông mắc bệnh hiểm nghèo mất sớm, hai mẹ con phải lưu lạc sang thôn Trạc Nhiệt (xã Mộ Đạo, huyện Quế Võ) để kiếm kế sinh nhai và mẹ ông đã mất tại đó (hiện nay ở thôn Trạc Nhiệt còn lăng mộ cụ Trần Thị Tín).

Năm 1075, nhà Lý mở khoa thi đầu tiên gọi là Minh kinh bác học để chọn nhân tài xây dựng đất nước, Lê Văn Thịnh đi thi và đỗ đầu và đời sau  tôn vinh là “Trạng nguyên khai khoa”. Sau khi thi đỗ ông được triều Lý bổ chức Thị lang bộ Binh. Đến năm Giáp Tý 1084, vua cử ông đến trại Vĩnh Bình (thuộc biên giới Việt Trung) để giải quyết vấn đề cương giới giữa hai nước. Với tài ngoại giao xuất sắc ông đã đòi về cho nước ta 6 huyện 3 động mà nhà Tống lấn chiếm. Vì có nhiều công lớn, ông được triều Lý thăng đến chức Thái sư và giữ chức vụ này suốt 12 năm liền. Trên cương vị Thái sư, ông không những đã giúp triều Lý thiết lập triều chính, phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục…mà còn là thầy dạy của vua Lý Nhân Tông khi ấy còn nhỏ tuổi. 

Nhưng ông bị bọn gian thần trong triều ghen ghét đố kỵ tài năng và tìm cách hãm hại, vu oan vào tội “hoá hổ giết vua” ở hồ Dâm Đàm (hồ Tây – Hà Nội). Vua Lý Nhân Tông đã kính thương ông là thày dạy, không nỡ để ông bị xử tội chết, mà cho lưu đầy ở miền Thao Giang . Mặc dù bị lưu đày, nhưng ông vẫn sống một cuộc đời có ích cho dân cho nước, đến khi hơi tàn sức kiệt mới được tha. Ông tìm về quê hương, nhưng không ngờ khi đến xã Đình Tổ (Thuận Thành) thì kiệt sức trút hơi thở cuối cùng ở đó. Truyền rằng:  Ông đi đến chợ Đình Tổ thì ốm kiệt sức nằm ở góc chợ, một bà lão đi ngang qua thấy vậy thương quá bèn hỏi chuyện. Ông cho biết tên tuổi, quê quán và nói rằng không còn đủ sức đi nữa và chỉ thèm món “cháo thái” (cháo cá nướng). Bà cụ thương tình, đôn đáo chạy về làng báo cho dân làng biết và nấu bát cháo cá mang ngay đến cho ông ăn. Ông ăn xong bát cháo cá, nói lời cảm tạ đứt quãng rồi trút hơi thở cuối cùng. Cảm động trước một danh thần “tài hoa nhưng bạc mệnh”, nhân dân Đình Tổ đã đem thi hài ông chôn cất lập đền thờ làm Thành Hoàng làng. Từ đó, hàng năm trong những ngày cúng giỗ, bao giờ cũng có món “cháo thái” dâng cúng thần.

    Khi biết tin Trạng nguyên, Thái sư Lê Văn Thịnh bị mất, nhân dân Bảo Tháp đã vô cùng thương tiếc ông một nguời con của quê hương đã có công lớn với nước với dân, nhưng bị chết oan nghiệt, nên lập đền thờ phụng ông tại nơi đất nhà ông ở xưa kia và thờ phụng ông làm Thành Hoàng làng ở đình làng. Được tin ông mất, nhân dân các làng xã là quê nội, ngoại và nơi ông từng dạy học cũng xin thờ ông làm Thành Hoàng. Có tới 11 làng xã thờ phụng ông làm Thành Hoàng làng.

      Sau đấy, nỗi oan khiên của Thái sư Lê Văn Thịnh đã được các triều vua minh oan như:  Vào thời Lê Trung Hưng, đền Lê Văn Thịnh đã được triều đình cho trùng tu với quy mô lớn. Đó còn là việc triều đình soạn Thần tích, ban sắc phong và còn cho dựng bia đã ghi khắc lại lai lịch công trạng của ông.

    Sử sách cũng minh oan cho ông. Sách “Thiên nam ngữ lục” viết vào thời Nguyễn có đoạn viết về Thái sư Lê Văn Thịnh như sau: “Xét ra việc Lê Văn Thịnh hóa hổ cũng là một trong những sự kiện chứng tỏ sự mê tín khá phổ biến trong đời Lý, khi người ta còn bị ảnh hưởng của Phật giáo và Đạo giáo nặng nề, khi các nhà sư và các thầy pháp đua nhau phù phép tu luyện, khi những chuyện thoát xác, đầu thai ,biến hóa, tàng hình được mọi người tưởng là thực. Có thể rằng: trong cơn giông tố lúc bấy giờ, trời u ám mù mịt, Lê Văn Thịnh ngồi xổm bám lấy mạn thuyền, nhà vua và cận thần sẵn có óc tin nhảm lại thần hồn nát thần tính trông không rõ tưởng là hổ và buộc tội oan cho Lê Văn Thịnh”.

Dẫu trải thăng trầm lịch sử,  đền thờ Trạng nguyên, Thái sư Lê Văn Thịnh còn bảo lưu được nhiều tài liệu cổ vật quý giá đã minh chứng cho sự tồn tại cho ngôi đền trong lịch sử như: thần phả, sắc phong, bia đá, ngai bài vị “Lê Thái sư đại vương”, biển gỗ “Ân tứ vinh quy”, rồng đá, hoành phi, câu đối, chuông đồng, khánh đá. Bia đá có tên “Thái sư tự bi ký”, niên đại Hoằng Định thập tam niên (1612), nội dung ghi chép về việc nhân dân địa phương công đức để tu bổ xây dựng đền thờ Lê Văn Thịnh. Một số câu đối ca ngợi quê hương và người được thờ. Đặc biệt, vào những năm 1991, 2010 ở khu vực khuôn viên của đền đã phát hiện được Rồng đá có thân mình dài hàng chục mét, nặng hàng trăm tấn, uốn thành nhiều khúc, trên đầu có 2 tai nhưng “tai câm, tai điếc”, miệng há rộng ngoạm cắn vào thân quặn mình đau khổ, phản ánh về nỗi oan nghiệt của ông. 

        Với những giá trị to lớn, đền thờ Trạng nguyên, Thái sư Lê Văn Thịnh đã được Bộ văn hóa thông tin xếp hạng là di tích quốc gia, Quyết định số 226/QĐ-BT ngày 5/2/1994.

  • Chùa Đại Bi.

Chùa Đại Bi còn có tên là chùa Tổ hay chùa Tẩy tọa lạc trên bãi bồi cách bờ nam sông Đuống khoảng gần 1km, cách chân đê Đuống phía ngoài khoảng 100m, nay thuộc thôn Vạn Ty, xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Ngoài chức năng thờ Phật, đây còn là nơi lưu niệm sâu sắc về Trúc Lâm đệ tam tổ Huyền Quang, một nhà sư và cũng là một nhà thơ lớn thời Trần, người đã cùng với vua Trần Nhân Tôn, thiền sư Pháp Loa sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm- một thiền phái Phật giáo mang đậm sắc thái Việt Nam.

Theo các nguồn thư tịch cổ, ngôi chùa vốn được Huyền Quang cho xây dựng vào năm Quý Mão (1305) trên khu đất đẹp phía tây nhà nhân dịp về quê thăm cha mẹ và đặt tên là “Đại Bi tự” với ý nghĩa: đức Phật đại từ đại bi, Quan Thế Âm Bồ Tát cứu được cha mẹ về với đạo Phật.

Trải trường kỳ lịch sử, ngôi chùa đã qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo, dấu ấn sớm nhất trên kiến trúc hiện nay là của thời Lê và Nguyễn. Nằm trong khuôn viên của chùa còn có “đền thờ Tam Tổ”, tương truyền được nhân dân dựng sau khi Huyền Quang qua đời để tôn thờ tam vị Tổ của thiền phái Trúc Lâm là Trần Nhân Tôn, Pháp Loa và Huyền Quang. Sau chùa, năm 2005 nhân dân mới phục dựng ngôi đình để thờ tam vị thành hoàng, những danh tướng có công dẹp giặc Thục vào thời Hùng Vương thứ 18.

Tam bảo chùa kết cấu kiến trúc kiểu chuôi vồ gồm tiền đường thượng điện, hướng nam nhìn lên đê sông Đuống. Đây là công trình kiến trúc được trùng tu vào thời Nguyễn còn bảo tồn khá nguyên vẹn tới ngày nay.

Tiền đường gồm 5 gian 2 chái, 4 mái đao cong, bờ nóc đắp ba chữ Hán “Đại Bi tự”, phía trước mở cửa bức bàn ở cả 5 gian. Bộ khung tiền đường được làm bằng gỗ lim, các bộ vì làm theo lối “con chồng giá chiêng” ăn mộng với 8 hàng cột ngang 4 hàng cột dọc. Tại các bức cốn, con chồng được trang trí chạm khắc văn hoa lá cách điệu. Gian gữa tiền đường thông với thượng điện, các gian bên đặt tượng Hộ pháp, Đức Ông và Thánh Hiền như nhiều ngôi chùa khác.

Hậu cung nối với gian giữa tiền đường gồm 3 gian, ở đây được xây các bệ gạch thấp dần từ trong ra ngoài để đặt hệ thống tượng thờ. Hệ thống tượng ở đây một số pho mới được nhân dân tạc mới, còn lại là tượng thời Nguyễn. Việc sắp đặt tượng cũng giống như nhiều ngôi chùa ở vùng đồng bằng bắc bộ, tuy nhiên một số pho đặt chưa đúng vị trí với tinh thần của Phật pháp.

Nằm phía bên hồi phải tam bảo, cách một khoảng sân khá rộng là đền thờ Tổ. Đây là nơi tôn thờ tam vị tổ của Thiền phái Trúc Lâm. Truyền rằng đền được xây dựng sau khi nhà sư Huyền Quang viên tịch, trải qua thời gian đền được tu bổ tôn tạo nhiều lần và dấu ấn kiến trúc hiện nay là của thời Nguyễn. Đền hướng tây, kết cấu kiến trúc kiểu chuôi vồ gồm 3 gian tiền đền và 1 gian hậu cung. Bộ khung được làm bằng gỗ lim, trên các cột còn nguyên những dòng chữ Hán ghi khắc tên tuổi những người hưng công để tu bổ đền. Vì nóc làm theo lối con chồng giá chiêng, quá giang gác tường, chủ yếu bào trơn đóng bén.

Tại đền, trong hậu cung là một khám thờ lớn, trong đặt tượng Tam tổ, khám được chạm khắc tỷ mỷ, sơn son thếp vàng lộng lẫy. Trong khám, ở giữa là tượng đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tôn, bên trái là tượng Huyền Quang, bên phải là tượng Pháp Loa. Tượng được tạc trong tư thế ngồi thiền, mình mặc áo nhà Phật, khuôn mặt mỗi người một vẻ nhưng đều toát lên sự thông minh dĩnh ngộ với vẻ mặt thanh tú siêu thoát. Trước khám là bức cửa võng chạm khắc cầu kỳ đề tài tứ linh, tứ quý, tiếp đến là án gian, trên bày đặt các đồ thờ tự tôn nghiêm.

Phía sau nhà tổ còn có nhà khách, nhà sư ở và nhà mẫu; sau tam bảo là nhà bia, ghi chép về thân thế sự nghiệp của đệ tam tổ Huyền Quang. Sau nhà bia là ngôi đình mới được nhân dân phục dựng năm 200 gồm 5 gian 2 chái. Đây là nơi thờ phụng tam vị thành hoàng làng, có công dẹp giặc Thục vào đời Hùng vương thứ 18.

Căn cứ vào các tài liệu thư tịch cổ còn bảo lưu được tại chùa như bia đá, bản “tam tổ thực lục” và sử sách của nhà nước, thì cuộc đời hành trạng của Huyền Quang như sau:

Huyền Quang tên thật là Lý Đạo Tái, người xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh hiện nay. Ông vốn dòng dõi quý tộc, quan lại nhà Lý. Thân sinh của ông là Lý Tuệ Tổ và bà Lê Thị. Hai ông bà sinh ra Lý Đạo Tái vào năm Giáp Dần, đời vua Trần Thái Tông niên hiệu Nguyễn Phong thứ 4 (1254). Ngay từ nhỏ Lý Đạo Tái đã nổi tiếng là thần đồng, học một biết mười, có chí khí lớn. Ông thi đỗ Trạng nguyên khoa Giáp Tuất niên hiệu Bảo Phù 2 (1274) triều vua Trần Thánh Tông. Ông được bổ chức Hàn lâm làm việc trong viện “Nội Hàn” của triều đình, từng tiếp sứ Bắc triều, nổi tiếng văn thơ.

Một lần, Huyền Quang cùng vua Trần Anh Tông đến chùa Vĩnh Nghiêm (nay thuộc Yên Dũng- Bắc Giang), nghe Thiền sư Pháp Loa giảng kinh, bèn xin vua từ chức để xuất gia tu hành. Lý Đạo Tái đến học thiền sư Pháp Loa, được cử làm thị giả của Trúc Lâm Đầu Đà và được ban pháp hiệu là Huyền Quang. Năm Quý sửu (1313) Huyền Quang đến tu tại chùa Vân Yên rồi sau đó xảy ra chuyện cung phi Điểm Bích, sư Huyền Quang bị mắc oan. May có cụ bà đêm đó xin thuốc làm minh chứng nên nàng Điểm Bích đành khai nhận tất cả tội lỗi của mình, trả lại sự trong sạch, thanh cao đức độ cho Thiền sư Huyền Quang.

Ngày 23 tháng giêng năm giáp tuất (1334) Huyền Quang viên tịch tại chùa Côn Sơn, nhân dân vô cùng thương tiếc, vua Trần Minh Tôn đã ban tiền để xây tháp, cấp 150 mẫu ruộng để làm tư điền và đặt tên kèm cho sư là Trúc Lâm thiền sư đệ tam đại, đặc phong pháp tự Huyền Quang tôn giả. Ông vừa là một Đại Thiền sư vừa là một nhà thơ lớn của dân tộc. Ông còn 24 bài thơ chữ Hán chép trong “ Việt Âm thi tập” và “Toàn Việt thi lục”…Sau Trúc Lâm Đầu Đà Trần Nhân Tông và  Pháp Loa, ông được phong tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm.

Lễ hội chùa Đại Bi được tổ chức vào ngày 21 tháng giêng âm lịch hàng năm. Đây là lễ hội lớn từng nổi tiếng trong dân gian với nghi thức tế rước long trọng và nhiều tục trò độc đáo, được 4 làng thuộc tổng Vạn Ty cũ cùng tổ chức. Đó là các làng:  Đạo Viện (Viền), Hương Trạch (Chằm), Phúc Lộc (Tẩy) và Châu Lỗ (làng Dù).

Hiện nay chùa Đại Bi ở quê hương của nhà khoa bảng nổi danh thần đồng, bậc thiền sư tài năng đức độ- Lý Đạo Tái- Huyên Quang vẫn đứng uy nghiêm trầm mặc giữa mênh mông sông nước của dòng sông Đuống. Ngôi chùa vẫn luôn được chính quyền quan tâm, nhân dân hết lòng ngưỡng mộ. Trong chùa còn bảo lưu được nhiều tài liệu cổ vật có giá trị như: chuông đồng, đại tự, câu đối; hệ thống tượng phật trong đó tiêu biểu là tượng Thiền Sư Huyền Quang và hai vị của thiền phái Trúc Lâm; hệ thống bia đá trong đó đặc biệt quý giá là tấm bia dựng đặt trước nhà tổ, nơi mộ tháp của thiền sư, ghi khắc ca ngợi tài năng đức độ của người.

Di tích chùa Đại Bi đã được Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch) công nhận xếp hạng cấp Quốc gia, quyết định số 34/VH-QĐ ngày 9  tháng  1 năm 1990.

  • Khu di tích Lệ Chi Viên.

Khu di tích Lệ Chi Viên nằm giáp đê Đại Hà thuộc thôn Đại Lai, vốn là hành cung được khởi dựng từ thời Lý, đến thời Trần Minh Tông đã cho xây dựng lại thành cung Ly Trang, sang thời Hậu Lê cung Ly Trang được tu bổ và xây thêm thành cung Yên Hà và sau đó có tên là Lệ Chi Viên. Nơi đây là nơi dừng chân và nghỉ ngơi của nhà vua mỗi khi lên thị sát miền Đông Bắc. Hành cung Đại Lai mang theo tên gọi “Lệ Chi Viên” không chỉ đơn giản là một trạm nghỉ ngơi của các vua thời Lê mỗi dịp từ kinh thành đi dã ngoại tới vùng Đông Bắc đất nước. Lệ Chi Viên chính là một vị trí quan trọng có ý nghĩa quân sự khá đặc biệt mà các vua nhà Lê đã khai thác để chốt giữ, tuần phong đất nước. Lệ Chi Viên ngoài ý nghĩa trên còn đi vào lịch sử vì nơi đây đã được gắn với vụ án oan tày trời đối với người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. Nỗi oan này vào ngày 16 tháng 8 (âm lịch) năm Nhâm tuất 1442 Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ cùng với thảm án chu di tam tộc nhà Nguyễn Trãi. Về sau vua Lê Thánh Tông đã minh oan cho Nguyễn Trãi sau hơn 20 năm, theo đó sự sáng trong của đất này cũng được tỏ tường.

Hiện nay khu Lệ Chi Viên đã được Đảng, chính quyền địa phương khảo sát lập quy hoạch chi tiết khu di tích Lệ Chi Viên, để làm cơ sở cho việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất và từng bước đầu tư khôi phục, xây dựng các hạng mục công trình văn hoá trong khu di tích Lệ Chi Viên để tôn thờ 2 nhân vật tiêu biểu là Nguyễn Trãi, một nhân vật vĩ đại về nhiều mặt, rất hiếm có trong lịch sử. Ông là một anh hùng dân tộc, nhà chính trị lỗi lạc, nhà chiến lược thiên tài, nhà ngoại giao kiệt xuất, đồng thời là một nhà văn lớn, nhà thơ lớn, nhà sử học, nhà địa lý học, nhà làm pháp luật và âm nhạc xuất sắc. Và Nguyễn Thị Lộ một Lễ nghi học sĩ, người thông hiểu kinh sách và biết làm thơ.

Khu vườn vải Lệ Chi Viên hiện nay nằm ở phía Tây của thôn, thuộc xứ Vườn Quan, trong khuôn viên này năm 2006 địa phương đã xây dựng một công trình gồm 3 gian tiền đường, 1 gian hậu cung, kiến trúc chữ đinh, quay theo hướng Nam để tôn thờ Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ. Bên trong bài trí hai pho tượng của hai vị được tạc bằng chất liệu gỗ phủ sơn trong tư thế ngồi rất đẹp, phía trên treo các bức hoành phi “Đẩu khuê cao chiếu”, “Trung trinh tiết liệt”, “Lệ Chi Viên thần nữ”, và hai bên các cột có những đôi câu đối nội dung ca ngợi về tấm lòng sáng như sao Khuê của Nguyễn Trãi và thanh danh trong sạch của Nguyễn Thị Lộ.

Khu Lệ Chi Viên là di tích lịch sử văn hoá có cảnh quan đẹp được các triều đại phong kiến Việt Nam chọn làm nơi xây dựng một hành cung quan trọng, được xây dựng từ thời Lý đến thời Lê mở rộng hơn, một trạm nghỉ ngơi của các vua mỗi dịp từ kinh thành đi dã ngoại tới vùng Đông Bắc đất nước.

Với giá trị cơ bản trên khu di tích Lệ Chi Viên đã được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa, Quyết định số 966/QĐ-UBND, ngày 29/07/2010.

 

Trên đây là những thông tin tổng quan về “Top 8 Di tích, di sản văn hóa tại Gia Bình Bắc Ninh” do KCN Gia Bình II cung cấp. Thị trường bất động sản tại Bắc Ninh giàu tiềm năng phát triển với vị trí đắc địa, nơi đây thu hút sự quan tâm đầu tư từ các doanh nghiệp lớn. Trong số các dự án mới triển khai, Khu công nghiệp Gia Bình II – Bắc Ninh nổi bật với quy mô lớn và vị trí chiến lược, được biết đến là một trong rất ít dự án còn lại có nguồn cung dồi dào nhất tại Bắc Ninh. Với cơ sở hạ tầng hiện đại, môi trường kinh doanh thuận lợi và nguồn nhân lực có trình độ cao, đây là điểm đến lý tưởng thu hút nhiều nhà đầu tư và các chủ doanh nghiệp. Sự đa dạng trong các ngành công nghiệp cũng tạo điều kiện cho sự phát triển đa chiều và bền vững. Liên hệ để biết thêm thông tin về dự án KCN Gia Bình II tại: 0848 84 59 59

Thông tin chi tiết dự án KCN Gia Bình II

Thông tin chi tiết Nhà xưởng xây sẵn KCN Gia Bình

Lộ trình đầu tư tại Việt Nam

————————————————-

KCN GIA BÌNH II – BẮC NINH

MỌI THÔNG TIN CHI TIẾT XIN LIÊN HỆ:

► Địa chỉ: Xã Nhân Thắng, Bình Dương, Thái Bảo, Vạn Ninh, Huyện Gia Bình, Tỉnh Bắc Ninh

► Email: salesrealty.hanaka@gmail.com

► Website: https://giabinhindustrialpark.vn/

► Fanpage: https://www.facebook.com/profile.php?id=61557919323768

► Hotline: +84848845959

#khucôngnghiệp, #GiaBình II, #Hanaka, #bất động sản, #BắcNinh, #GiaBình, #KCNsinh thái #GiaBinhII #Industrialpark #RealEstate #BacNinh #Eco-Industrialpark #GiaBinh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *